Powered By Blogger

Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Câu chuyện về xe Puch 50cc cổ

Xuất hiện trên đường phố tại Sài Gòn trong những năm giửa thập niên 1950 sau khi Việt Nam bị chia đôi ở Vĩ tuyến 17 do Hiệp Định Genève 1954 ký kết giửa Pháp Quốc và chính phủ Việt Nam DCCH. Những chiếc xe máy 2 thì dùng xăng pha nhớt mang thương hiệu Puch bắt đầu lăn bánh trên đường phố tại miền nam Việt Nam.

Sơ lược lịch sử xe Puch

Ông Johann Puch bắt đầu sản xuất những chiếc xe đạp vào năm 1889 trong một cơ xưởng nhỏ có tên là "Fahrradfabrikation Strauchergasse 18 a" tại thành phố Graz, Áo Quốc. 10 năm sau đó, ông ta thành lập công ty "Erste Steiermärkische Fahrradfabrik AG" (Nhà máy xe đạp đầu tiên xứ Styria AG). Công ty Puch đã thành công trong việc chế tạo xe đạp với cung cách tiên tiến và tay nghề cao, phát triển nhanh chóng vào thời điểm cơ khí hoá công nghiệp, không lâu sau đó Puch đã quay sang chế tạo xe mô-tô và xe gắn máy.

Photobucket
Johann Puch (1862-1914)

Nhà máy sản xuất chính, gọi là "Einser-Werk", được xây dựng ở phiá nam thành phố Graz thuộc quận hạt Puntingam. Việc sản xuất động cơ bắt đầu vào năm 1901 và xe ô-tô vào năm 1904. Qua năm 1906, Puch sản xuất một xe ô-tô đầu tiên với động cơ 2 xi-lanh với tên gọi là Puch Voiturette và qua năm 1909, Puch phá kỷ lục về tốc độ xe đến 130,4 Km/giờ. Năm 1910, Puch được biết đến qua việc sản xuất những chiếc xe Sedan (loại xe ô-tô có 3 khoang: khoang động cơ, khoang hành khách và khoang hành lý) cho gia đình bộ tộc của Hoàng Gia Áo. Năm 1912, Puch sản xuất xe ô-tô Puch Typ VIII Alpenwagen với công suất 38 mã lực.

Photobucket

Photobucket
Puch Voiturette

Photobucket
Puch Typ VIII Alpenwagen

Năm 1912, ông Johann Puch về nghỉ hưu, trở thành Tổng Giám Đốc danh dự của công ty. Trong năm đó, công ty thâu dụng khoảng 1.100 người, sản xuất 16.000 chiếc xe đạp và trên 300 chiếc xe máy và ô-tô hàng năm. Suốt thời kỳ Thế Chiến Thứ Nhất 1914-1918, Puch là nhà cung cấp xe quan trọng cho quân đội liên minh Áo-Hung, nhưng sau đó Đế Quốc Áo-Hung sập đổ, thị trường xe ô-tô chìm mất, công ty Puch đành đóng cửa nhà máy và ngưng sản xuất.

Photobucket
Một xe mô-tô đầu tiên Puch kiểu 220 năm 1926

Năm 1923, ông Giovanni Marcellino, một kỹ sư người Ý được các ngân hàng ký thác đến khởi động nhà máy Puch ở Graz. Ông ta nhanh chóng đến Graz bắt tay vào công việc triển khai một động cơ Split-single (động cơ có 2 pít-tông trong một lòng máy) và năm 1931, xe máy Puch Split-single cải tiến đã đoạt giải đua Grand Prix ở Đức Quốc.

Photobucket
Một động cơ Split-single có 2 pít-tông vận hành trong một lòng máy

Năm 1928, Puch hợp tác với công ty Austro-Daimler trở thành công ty Austro-Daimler-Puchwerke và vào năm 1934, công ty nầy sát nhập với Steyr AG để trở thành tổng công ty Steyr-Daimler-Puch.

Photobucket
Một xe Steyr 50 hay còn gọi là Steyr Baby, một kiểu xe phổ thông đại chúng tại Áo Quốc tựa như xe VW Type 1 hay là Con Bọ của Đức Quốc

Cũng giống như các doanh nghiệp chuyên về công nghệ cơ khí, Steyr-Daimler-Puch quay sang sản xuất vũ khí trong Đệ Nhị Thế Chiến 1939-1945. Khả năng của nhà máy không đáp ứng được nhu cầu, do đó một nhà máy thứ hai được xây dựng ở Thondorf, Graz và đưa vào sản xuất năm 1941. Trong 3 dây chuyền sản xuất, những chiếc ô-tô sang trọng được lắp ráp và xuất cảng qua thị trường Châu Mỹ. Steyr-Daimler-Puch là một trong những công ty được biết đến trong việc khai thác sức lao động nô lệ qua hệ thống trại tập trung Mauthausen-Gusen trong suốt thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Những nô lệ từ trại tập trung được khai thác và tận dụng bởi 45 công ty chuyên về cơ khí và quốc phòng mà trong số đó, Puch đã bí mật xây một nhà máy ở Gusen trong năm 1943.

Photobucket

Photobucket
Steyr Puch 500 là một phiên bản của chiếc xe Ý Fiat 500 được sản xuất tại Áo Quốc

Ngay sau thời hậu chiến, từ cuối năm 1945 đến 1947, nhà máy bị trưng dụng và đặt dưới sự quản trị của quân đội Anh Quốc (REME) mà họ sử dụng những thiết bị có sẵn để tu sửa và bảo trì các quân xa của Anh Quốc và Hoa Kỳ. Trong năm 1949, một hợp đồng lắp ráp được ký kết với công ty Fiat ở Turin, Ý. Từ thập niên 1950 đến giửa thập niên 1970, việc sản xuất tăng gia mạnh mẽ về các loại xe mô-tô, xe gắn máy và xe đạp. Ngay khi dưới tên tổng công ty Steyr-Daimler-Puch, công ty Puch vẫn tiếp tục sản xuất sản phẩm dưới tên thương hiệu riêng của mình hoặc dưới tên Steyr-Puch hay dưới tên thương hiệu khác. Puch cũng tham gia những cuộc đua trong thập niên 1950 và việc sản xuất cổ máy Split-single chấm dứt vào khoảng năm 1970.

Photobucket

Photobucket
Xe Steyr Puch 650 từ xe Fiat 500 được cải tiến thành xe đua độ tài tử tại Áo

Cuối thập niên 1950, việc bán xe scooters Puch 125cc phát triển nhanh chóng với cổ máy đơn 2 thì và hộp số gồm 3 số khởi động bằng tay trên ghi-đông. Những chiếc xe nầy mang tính chất bền bỉ, hoạt động tốt dưới mọi thời tiết và dể điều khiển, xe đạt tốc độ khoảng 73 Km/giờ. Một kiểu xe scooter cải tiến với động cơ 150cc với hộp số 3 số điều khiển bằng chân và công suất 6 mã lực so với kiểu 125cc với 5 mã lực.

Photobucket

Photobucket
Một quảng cáo khuyến mãi xe scooter Puch 125 và một xe được trưng bày tại bảo tàng viện Johann Puch ở Graz

Trong năm 1953, Puch sản xuất các kiểu xe mô-tô 125 và 175 SV. Qua năm 1954, Puch thành công trong việc tung ra thị trường xe gắn máy 50cc kiểu MS 50. Đặc biệt từ 1953 đến 1970, Puch sản xuất một xe mô-tô 250cc với động cơ Spilt-single và xuất cảng sang Hoa Kỳ, tuy nhiên loại xe này bị các loại xe máy đôi 2 thì Nhật bản dành chiếm thị trường trong suốt thập niên 1960-1970 nên Puch đành chấm dứt việc sản xuất cổ xe nầy.

Photobucket
Một xe mô-tô Puch 250 SGS hay còn gọi là Twingle với cổ máy Split-single

Ngoài ra Puch còn sản xuất xe đạp dưới thương hiệu BMX mà Puch phát triển và khuyến mãi mạnh mẽ ở Hoa Kỳ. Thêm vào đó, Puch còn cho ra mắt kiểu xe máy Puch Maxi, một xe gắn máy tương tự như xe gắn máy Mobylette hoặc Peugeot của Pháp và rất thành công trong việc khuyến mãi kiểu xe nầy tại Châu Âu, trên 1 triệu xe Puch Maxi dược bán ra.

Photobucket
Puch Maxi

Cuối thập niên 1980, công ty Puch bị loại ra khỏi cuộc chạy đua dành thị trường. Năm 1987, việc tái cơ cấu và tổ chức doanh nghiệp đã đưa đến việc ngưng sản xuất xe 2 bánh ở Graz. Sự hiểu biết và nắm chắc về kỹ thuật cơ khí của công ty rất cao so với những thành công và khuyến mãi trên thị trường. Công ty xe mô-tô Puch được bán lại cho Piaggio, nhà sản xuất xe scooter Vespa trong năm 1987 và Piaggio vẫn duy trì việc sản xuất xe đạp dưới thương hiệu Puch. Khi chi bộ xe đạp của Piaggio bán lại cho tập đoàn Thụy Điển Grimaldi Industri các xe đạp Puch và Bianchi Bicycles vào năm 1997, xe đạp Puch trở thành chi bộ của Cycleurope. Năm 2011, một doanh nhân Áo quốc, ông Josef Faber nắm giử chi bộ Puch và năm 2012, Cycleurope tiếp tục sản xuất xe đạp Puch ở Pháp Quốc.

Photobucket
Một xe đạp đua Puch Vent Noir Aero

Puch bán toàn bộ dây chuyền sản xuất xe gắn máy Puch Maxi cho Hero Motors ở Ấn Độ và công ty nầy tiếp tục sản xuất kiểu xe Maxi từ năm 1988 đến năm 2003.

Nhà máy sản xuất xe Puch ở Graz đóng cửa vào năm 2000, mà khu dây chuyền lắp ráp đã trở thành Bảo tàng viện Công Nghiệp Cơ Khí. Khi thành phố Graz trở thành Thủ Đô Văn Hoá của Âu Châu vào năm 2003, một dảy dây chuyền sản xuất cũ được mở cửa trưng bầy những sản phẩm của Puch.

Photobucket

Photobucket
Một xe Steyr Puch Haflinger với 4 bánh vận hành đồng bộ dùng trên mọi địa hình

Ngày nay, Steyr-Daimler-Puch chỉ còn lại tên thương hiệu mà công ty Steyr-Puch vẫn hoạt động như văn phòng nghiên cứu chuyên về kỹ thuật cơ khí, đặc biệt là các bộ cơ khí truyền động cho các xe loại 4, 6, 8 bánh vận chuyển đồng bộ, mạnh mẽ nhất là trong lãnh vực vận tải và quốc phòng.

Photobucket
Một xe cơ giới thiết giáp chuyên sửa chửa và phục hồi của quân đội Áo Quốc: Steyr BgPz Grief (Griffon) sử dụng bộ truyền động của Steyr Puch

Photobucket
Một xe bọc thép dùng để chuyển quân của Tiệp: Pandur II 8x8 được chế tạo với bộ truyền động Steyr Puch

Photobucket
Một xe vận tải của quân đội Hoa Kỳ M-1088 sử dụng bộ truyền động Steyr Puch

Xe Puch tại Hoa Kỳ

Ngay từ đầu thập niên 1950, dòng xe Puch được nhập cảng vào Hoa Kỳ qua đại công ty bán lẻ Sears, Roebuck and Company - một công ty mua sĩ và bán lẻ được thành lập từ năm 1886 tại Chicago, bang Illinois, Hoa Kỳ mà ngày nay đã giải thể sau khi kết hợp với Kmart vào năm 2005.

Những chiếc xe Puch được rao bán ở Hoa Kỳ dưới thương hiệu Allstate - một thương hiệu mà Sears đã kết hợp những dòng xe Châu Âu nhập cảng như xe scooters Vespa, xe gắn máy Gilera (Ý), Sachs (Đức Quốc) và Puch (Áo Quốc). Năm 1967, những xe Puch được gắn thương hiệu Sears cho đến năm 1979.

Photobucket
Một xe Puch MS 50 V bán tại Hoa Kỳ dưới thương hiệu Allstate của công ty Sears Roebuck

Dòng xe Puch được nhập vào Hoa Kỳ gồm có những xe mô-tô 250cc Puch Twingle (250 SGS), 125 Hardtail (Puch 125 A), 150 Hardtail (Puch 150 A), Puch 175 SV, những xe scooters Puch DS50 và DS60 và những xe gắn máy 50cc mà ở Hoa Kỳ gọi là Moped - danh từ dùng để gọi các xe có bàn đạp như xe đạp và có gắn động cơ hổ trợ mà không cần bằng lái xe để sử dụng do từ chử Motor + Pedal kết hợp.

Photobucket
Vài chi tiết về xe Allstate MV 50 V tại Hoa Kỳ

Sears ngưng bán xe Puch vào năm 1979 vì không thể cạnh tranh với các dòng xe Nhật Bản của 'Tứ Đại Gia' Honda, Yamaha, Suzuki và Kawasaki đang chiếm lĩnh thị trường.

Photobucket
Scooter Puch DS 50 KFN đời 1964

Photobucket
1 Scooter Puch DS 50 KFNđậu giửa các xe xích lô đạp trước Bưu Điện Sài Gòn

Photobucket
Puch DS 50 V3 Alabama đời 1973

Photobucket
Puch DS 50 VN Mexico đời 1968

Xe Puch tại Châu Âu

Đa số xe Puch sử dụng ở Châu Âu là những xe gắn máy 50cc với những kiểu xe gắn máy đầu tiên với hộp số gồm 2 số và 3 số trong thập niên 1950, qua thập niên 1960, Puch đưa vào sản xuất những động cơ với hộp số gồm 4 số và động cơ có bộ ly hợp tự động nhằm cạnh tranh với kiểu xe Honda Cub mà phụ nữ ưa chuộng vì không cần phải vận hành bộ ly hợp khi gài hộp số để chạy xe.

Photobucket
Puch MS 50 KA Automatic với bộ ly kết tự động ra mắt năm 1968 nhằm cạnh tranh với dòng xe có bộ ly kết tự động của Nhật Bản

Photobucket
Sơ đồ bộ máy Puch 50cc với 2 phiên bản về bàn đạp khởi động máy

Photobucket
Puch MV 50 KF ra mắt năm 1965 với ghi-đông cao tựa như các xe mô-tô chopper rất được giới trẻ ở Châu Âu hâm mộ và sử dụng

Tại Áo Quốc và Hoà Lan, những chiếc xe gắn máy Puch 50cc trở thành hiện tượng phổ biến trong đời sống. Tại Thụy Điển, những xe Puch 50cc rất là phổ biến. Những chiếc xe Puch 50cc bán tại quốc gia nầy được đặt tên theo các tiểu bang ở Hoa Kỳ ngoại trừ kiểu xe Puch Maxi và Monza.

Photobucket
Puch VS 50 S xuất hiện vào năm 1959

Photobucket
Puch VZ 50 Dixie 1963

Photobucket
Puch VZ 50 V3 Texas 1973

Photobucket
Puch Monza 50cc xuất hiện khoảng năm 1976 với hộp số gồm 4 số chân

Dòng xe gắn máy Puch 50cc ngưng bán tại Châu Âu vào đầu thập niên 1980 ngoại trừ kiểu Puch Maxi được tiếp tục sản xuất cho đến năm 1987. 'Tứ Đại Gia' Nhật Bản cũng đã chinh phục thị trường xe máy ở Châu Âu ngay đầu thập niên 1960.

Xe Puch 50cc tại Việt Nam

Ngay giửa thập niên 1950, trên đường phố Sài Gòn đã xuất hiện những chiếc xe Puch do hảng xuất nhập cảng Đặng Đình Đáng đảm trách việc nhập cảng xe Puch và cơ phận rời vào Việt Nam.

Photobucket
Một xe Puch MS 50 V mầu đỏ trên bải giử xe nằm trên đường Lê Lợi, Quận 1 Sài Gòn

Photobucket
Một xe Puch MS 50 V kiểu năm 1955

Photobucket
Một xe Puch VS 50 D trên đường phố Nha Trang (hình của Jim B. Woodward)

Cũng như tại Hoa Kỳ và Châu Âu, kiểu xe Puch đầu tiên ở Việt Nam là kiểu xe MS 50 V, động cơ 2 thì mát máy bằng quạt - một cánh quạt được vận hành từ cốt máy thổi không khí từ bên trái xe lên lòng xi-lanh và thoát ra bên phải - ưu điểm của nó là động cơ của xe vẫn được làm mát ngay khi dừng xe, đặc biệt khi xe phải dừng trong vấn đề tắc nghẻn giao thông. Những chiếc Puch đầu tiên được nhập cảng có các mầu trắng, đen, xanh lá cây và đỏ.

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket
Chi tiết động cơ Puch 50cc

Qua thập niên 1960, một kiểu xe Puch 50cc khác được trình làng, xe Puch VS 50 L hay còn gọi là xe Puch "3 đèn" nhưng thật sự chỉ có một đèn chính, trên ổ đèn có 2 nắp che bằng thiếc bên cạnh bóng đèn chính vì lẽ tại Châu Âu dòng xe VS 50 L được trang bị 2 bóng đèn nhỏ do luật lệ lưu thông bắc buộc. Những xe Puch VS 50 L sử dụng tại Việt Nam chỉ còn đa số là mầu đỏ theo sở thích của người Việt ưa chuộng mầu nầy vì coi đó là sự may mắn.

Photobucket

Photobucket
Kiểu xe Puch VS 50 L được sử dụng tại Việt Nam vào cuối thập niên 1950

Các kiểu xe Puch MS 50 và VS 50 tại Việt Nam có hộp số gồm 2 số và kiểu xe VS 50 D cũng như kiểu cuối cùng VS 50 K với hộp số 3 số tay, khối động cơ được gắn bàn đạp như xe đạp vì lẽ luật lệ lưu thông tại miền nam VN lúc đầu rập khuôn theo luật giao thông của Pháp, những xe máy có bàn đạp khởi động máy và hộp số sang bằng chân được xếp vào loại xe mô-tô và buộc phải có bằng lái xe mô-tô (hiện nay vẫn còn hiệu lực ở Pháp Quốc), cho đến khi dòng xe Nhật Bản ào ạt nhập cảng vào Việt Nam trong những năm 1965-1967.

Photobucket
Kiểu xe Puch VS 50 K hay còn gọi là Puch "3 đèn" được nhập vào Việt Nam là kiểu cuối cùng trước khi bị dòng xe máy Nhật Bản đánh bại

Photobucket
Vài chi tiết kỹ thuật: Động cơ 49,99cc 2 thì nghiêng về phiá trước 62°, mát máy bằng quạt - Bộ chế hoà khí Bing 12mm - tỷ số nén 11:1 - công suất 5 mã lực khi máy quay 6.800 vòng/phút - mô-men xoắn cực đại 0,53 Mk-p ở 6.600 vòng/phút - chiều dài 183 cm, rộng 64 cm, cao 105 cm - nặng 43 Kg (kiểu MS 50 V) - Tốc độ khoảng 68 Km/giờ

Photobucket
Kiểu xe Puch VS 50 K hay còn gọi là Puch "3 đèn" sơn 2 màu được nhập vào Đông Dương là kiểu cuối cùng ở Việt Nam (hình tư liệu của con gái ông Đặng Đình Đáng đăng trên Facebook). 

Photobucket
Một tấm biển đóng trên khung xe Puch VS 50 D được nhập vào Việt Nam qua hảng xuất nhập cảng Đặng Đình Đáng, nhà phát hành xe Puch trên 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Campuchia và Lào (hình của Hồ Thế Kinh).

Sự xuất hiện những dòng xe Honda, Suzuki, Bridgestone... đã chấm dứt dòng xe Puch cũng như các xe gắn máy khác nhập cảng từ Châu Âu. Hảng xuất nhập cảng Đặng Đình Đáng ngưng kinh doanh dòng xe Puch vào năm 1966.

Photobucket
Một xe Puch VS 50 DKX với vè chắn bùn ở Châu Âu vào đầu thập niên 1960

Photobucket
Một xe Puch chạy đường băng đồng MC 50 KF xuất hiện ở Châu Âu năm 1965, có mặt trước cả dòng xe motocross Yamaha, tiếc rằng nhà nhập cảng xe Puch tại Việt Nam không biết khai thác thị hiếu của người sử dụng xe để khuyến mãi kiểu xe này cũng như kiểu xe Puch có vè chắn bùn


Khi khối lượng xe máy Nhật tràn ngập trên đường phố ở miền nam Việt Nam và bắt đầu chinh phục khách tiêu dùng, những chiếc xe máy Âu Châu lùi dần về chốn thôn quê, làng xã xa đô thị. Xe Puch cũng cùng số phận, tuy nhiên vẫn còn thấy một số ít còn lưu thông ở Sài Gòn mà những người sử dụng đa số đã lớn tuổi không thích chạy theo xu hướng dòng xe máy Nhật.

Photobucket
Một xe Puch VS 50 D 3 đèn và một xe  MS 50 L lưu thông trên đường phố Sài Gòn trước khi dòng xe máy Nhật tràn ngập thị trường

Tiếp đó khi Sài Gòn được giải phóng vào năm 1975 thì chỉ trong vài năm sau số xe máy nói chung lưu thông ở thành phố tụt giảm, lý do vì xăng dầu khan hiếm - những người còn sử dụng xe máy, đa số là cán bộ vì họ có thể tìm ra dể dàng nguồn xăng dầu từ các cơ quan.

Photobucket
Một xe Puch VS 50 L 3 đèn mầu xanh lá mạ lưu thông trên đường phố Sài Gòn

Cho đến thời kỳ đổi mới 1986, lúc đó xăng dầu mới được bán công khai, lượng xe máy bắt đầu trở lại trên đường phố - một số là xe máy cũ trước 1975 được bảo trì tốt nên còn hửu dụng, một số là xe cũ mua hoặc nhập cảng lậu từ Nhật hoặc từ Thái Lan, sau đó khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận, các thương hiệu xe máy Nhật trở lại kinh doanh và chính thức bán xe của họ cho người tiêu dùng. Nhu cầu cơ giới hoá thay sức người, những xe ba-gác đạp chở vật liệu và hàng hoá (do từ chử tiếng Pháp "Bagages" = hành lý) được thay thế bằng xe ba-gác máy, đa số là xe tự chế. Theo một bạn kể lại, thời điểm cuối thập niên 1980 qua đầu thập niên 1990, do nhu cầu chế tạo xe ba-gác máy, một cổ máy Puch 50 với hộp số 3 số có trị giá khoảng 2 cây vàng.


Photobucket
Một xe ba-gác gắn động cơ Puch trên đường phố Sài Gòn

Năm 2010, chính quyền CHXHCN Việt Nam ra nghị định cấm lưu thông cac loại xe ba-gác tự chế, nghị định nầy có giá trị trong vòng 2 năm, tuy nhiên sau 2012 mặc dù có lệnh nghiêm cấm xe ba-gác máy tự chế lưu thông trong thành phố nhưng vẫn còn những người dân nghèo, không đủ tiền mua xe 3 bánh với giá khoảng 150 triệu VNĐ nên vẫn còn lén lút chạy kiếm cơm sống qua ngày.

Bảo tàng viện Puch tại Graz

Ngày nay nằm trên cơ xưởng cũ của Puch, trên một dây chuyền sản xuất xe máy, một bảo tàng viện Puch được thành lập vào năm 2003. Nơi đây trưng bầy tất cả sản phẩm của Puch, từ những mô hình nghiên cứu cơ khí cho đến những sản phẩm đã bán ra thị trường. Mở cửa vào thứ sáu và thứ bảy từ 13 giờ đến 18 giờ, chủ nhật từ 10 giờ đến 18 giờ; giá vé vào cửa: người lớn 5€ và trẻ em 2€.

Photobucket
Vài xe mô-tô cổ trưng bày ở Bảo tàng Johann Puch

Photobucket
Một xe đua Puch

Photobucket
Dòng xe scooter Puch

Photobucket
Trưng bày một hệ thống truyền động xe ô-tô của Steyr Puch

Photobucket
Những xe Fiat Panda và Mercedes-Benz cải tiến với bộ truyền động 4x4 Steyr Puch, bộ truyền động nầy cũng được lắp ráp vào xe Volkswagen, ngoài ra còn có những bộ truyền động Steyr Puch 6x6 và 8x8 được áp dụng vào các xe vận tải và xe thiết giáp

Johann Puch Museum
Puchstraße 85
8020 Graz

Nguồn: Wikipedia - Johann Puch Museum - Puchverkstan.se - Cybermotorcycle.com - Graztourismus.at - Vintagemopeds.net - Hồ Thế Kinh - Facebook Dân Sài Gòn Xưa.

Xem thêm:
- Câu chuyện về xe Express Radexi 50cc.
- Dòng xe mô-tô Husqvarna 
- Thị trường xe máy miền nam đầu năm 1975
- Câu chuyện xa máy Ural Sidecar

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét