Powered By Blogger

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Câu chuyện về xe máy Itom

Cuối thập niên 1950 bắt đầu xuất hiện chiếc xe máy 2 bánh sản xuất tại Ý mang nhản hiệu Itom mà người ta thường gọi là xe Astor hay Tabor bắt đầu lăn bánh trên nhng nẻo đường tại miền nam Việt Nam.

Sơ lược lịch sử về xe máy Itom

Xe máy Itom bắt nguồn từ tên viết tắt của Industria torinese meccanica - Kỹ nghệ Cơ Khí thành phố Turin - tại số 41 Via Millio, thành phố Turin vào năm 1944.

Photobucket
Nhà máy Itom ngày nay tại thị xã Sant'Ambrogio di Torino

Nhà máy Itom do ông luật sư Corrado Corradi sáng lập tại đường Francesco Millio thật sự đi vào sản xuất sau Đệ Nhị Thế Chiến 1939-1945, chính xác vào năm 1948 và sau đó cơ xưởng dời về thị xã Sant'Ambrogio di Torino, thuộc thành phố Turin.


Photobucket
Trong cơ xưởng nhà máy Itom vào khoảng năm 1960

Sản phẩm đầu tiên của Itom là các cổ máy phụ trợ gắn vào xe đạp (cũng giống như các hảng xe máy Nhật Bản như Honda, Suzuki... Itom sản xuất động cơ phụ trợ gắn vào xe đạp sau Đệ Nhị Thế Chiến 1939-1945 để đáp ứng nhu cầu đi lại rẻ tiền cho giới bình dân) - Itom sản xuất 3 cổ máy phụ trợ cho xe đạp: 1 máy gắn vào bánh trước(tương tự như xe VéloSolex) và 2 máy gắn vào bánh sau, hơặc dưới ổ bàn đạp, hoặc đằng sau yên xe.


Photobucket
Một trong những cổ máy phụ trợ đầu tiên của Itom sản xuất gắn vào xe đạp trong đầu thập niên 1950

1950 - Itom bắt đầu sản xuất nguyên chiếc xe máy gắn động cơ tay ga với bộ ly hợp tự động, sau đó với cổ máy có hộp số gồm 2 số.

1953 - Ra mắt kiểu xe Itom Esperia 50cc với động cơ 2 thì, hộp số có 2 số và khung xe bằng thép lá rập khuôn.

Photobucket
Xe Itom Esperia, một trong những kiểu xe đầu tiên của Itom với phuộc nhún trước kiểu giò gà

1954 - Ra mắt kiểu xe Itom Astor và Astor Sport 50cc, khung xe bằng thép ống, hộp số gồm 3 số tay và bàn đạp như xe đạp theo luật giao thông bắt buộc cho những xe máy dưới 50cc không cần bằng lái.

Photobucket
Một tờ quảng cáo xe của Itom khoảng cuối thập niên 1950

Photobucket
Chi tiết cổ máy Itom Astor

Photobucket
Một xe Itom Astor 1957

1957 - Đưa vào thị trường 2 kiểu xe Astor Super Sport và Competizione. Riêng chiếc Astor Competizione nhắm vào các tay đua xe tài tử với tốc độ tối đa 75 Km/giờ (các xe máy không bằng lái vào thời điểm đó bị hạn chế dưới 50 Km/giờ), các kiểu xe Astor này có 2 kiểu phuộc nhún trước, đặc biệt kiểu xe đua Competizione có lòng xi-lanh áp suất cao và mạ kền, sử dụng bộ chế hoà khí Dell' Orto SS20 và buồng đốt cùng pít-tông chế tạo đặc biệt, pít-tông có 2 vòng hoặc 3 vòng bạc.

Photobucket
Vài kiểu xe Itom đầu thập niên 1960

Photobucket
Xe Itom Super Sport cuối thập niên 1950

Kiểu xe Competizione chế tạo đặc biệt đạt được tốc độ 110 Km/giờ. Cũng kiểu xe Competizione sau cùng được trang bị phuộc nhún trước Ceriani, là một kiểu dành cho xe đua với lò-xo trần không bọc cao su ngăn bụi, kiểu phuộc nhún Ceriani nầy sau đó được trang bị cho các kiểu xe Itom sản xuất đại trà từ năm 1965.


Photobucket
Chi tiết kỹ thuật xe Itom Astor Competizione

Photobucket
Itom Astor 1965

Photobucket
Itom Astor 1966

1959 - Luật lệ giao thông ở Ý có sự thay đổi: các xe máy dưới 50cc được trang bị như xe mô-tô với bàn đạp thắng và hộp số chân, tuy nhiên các xe máy Itom xuất cảng vẫn được thiết kế bàn đạp kiểu xe đạp phù hợp với những quốc gia còn giử luật giao thông với xe máy cở nhỏ không cần bằng lái.

1959 - Ra mắt kiểu xe Itom Tabor là một kiểu xe 65cc, hộp số có 3 số, bộ chế hoà khí 16mm, công suất 3,5 mã lực và tốc độ tối đa 70 Km/giờ.

Photobucket
Itom Astor Competizione đầu thập niên 1960

Photobucket
Itom Astor Competizione 1963

1963 - Itom ngưng sản xuất kiểu xe Competizione, kiểu xe Super Sport trở thành xe hàng đầu của Itom với hộp số 4 số thay đổi trên tay lái ghi-đông.

1965 - Itom cho ra đời kiểu xe Astor 4M, là kiểu xe trứ danh và nổi bật nhất trong các kiểu xe máy của hảng Itom. Hộp số 4 số chân bên phải, bộ chế hoà khí Dell' Orto UA18S, công suất 5,5 - 6 mã lực ở vòng máy 10.000 vòng/phút và tốc độ tối đa 95 - 97 Km/giờ.

Photobucket
Itom Astor 4M

Photobucket
Itom Astor 4M phục chế

Tiếc rằng kiểu xe nầy không được nhập cảng vào Việt Nam lúc mà xe máy Nhật vừa ào ạt đổ vào thị trường miền nam Việt Nam, chắc chắn nó sẽ đánh bại các xe Bridgestone, Honda, Suzuki...

1968 - Itom thay cần đạp số chân từ bên phải ổ máy qua bên trái và kiểu đèn vuông thay cho hình tròn cổ điển.

1969 - Kiểu xe băng đồng Sirio Cross ra mắt với động cơ Astor 4M và bộ chế hoà khí Dell' Orto UB20S, khung xe màu đen, vè chắn bùn mạ kền, bình xăng màu xanh dương (sau đó sườn màu trắng và bình xăng màu đỏ). Kế tiếp từ kiểu Sirio cho ra đời kiểu Cross (còn gọi là Fuori Strada) là kiểu đơn giản hoá với bộ chế hoà khí nhỏ hơn, Dell' Orto UA16S.

Photobucket
Itom Fuori Strada

Photobucket
Itom Fuori Strada kiểu cuối cùng

1970 - Khung xe mới cho kiểu Itom Astor 4M với 2 ống thép song song với nhau thay vì 1 ống giửa mang ổ máy.

1972 - Kiểu Sprint ra mắt và cũng là kiểu xe sport cuối cùng của Itom, kiểu Astor ngừng sản xuất.

Xe Itom Sprint được trang bị cổ máy của công ty cơ khí Zanetti với đầu máy và xi-lanh của Itom. Bình xăng vuông góc được sơn màu xanh táo với hàng chử Itom màu trắng thay vì logo xưa.


Photobucket

Photobucket
Một xe Itom Astor 1967 lắp ráp tại Marseille, Pháp Quốc

1973 - Itom ngưng sản xuất các động cơ Itom mà thế bằng động cơ mua từ Franco Morini lắp ráp trên các kiểu xe của Itom.

Itom không còn là nhà sản xuất xe nguyên chiếc mà là nhà lắp ráp xe máy.


Photobucket
Các kiểu xe Itom được trưng bày trong 1 bảo tàng

Photobucket
Một vài kiểu xe Itom của 1 người sưu tập xe máy ở Pháp

1973 - Một loạt sản phẩm mới của Itom ra mắt vào tháng chạp ở Milan Motor Show với 2 kiểu xe 125cc, một xe kiểu Street-Scrambler với động cơ Morini, kiểu Cross Competition với động cơ Zündapp nhưng cả 2 kiểu xe chỉ là mô hình chưa đi vào sản xuất. Tất cả gần 50 kiểu xe Itom bây giờ đều gắn động cơ Morini.


1975 - Itom ngưng sản xuất xe máy do thất bại trong đầu tư vào việc sản xuất các dụng cụ y khoa và máy sưởi, làm ăn lổ lả, Itom buộc phải đóng cửa chi bộ sản xuất xe máy.

Photobucket

Photobucket

Photobucket
Hai xe Itom Astor 4M của một người sưu tập ở Pháp

Cũng ghi nhận ở đây những cổ máy 50cc do Itom sản xuất là công trình của kỹ sư Giuseppe Spotto, phi công chiến đấu trong Đệ Nhị Thế Chiến 1939-1945 và cộng sự đắc lực của ông ta, Silvano Bonetto.


Đua độ

Itom tham dự vào các cuộc đua xe từ cuối thập niên 1950 đến năm 1969 với các cổ máy xe Astor sản xuất hàng loạt bán ra thị trường được chỉnh trang và thiết kế đặc biệt để đua độ, được các tay đua Sergio Bongiovanni và Domenico De Giorgi điều khiển. Xe Itom được bán ra ở Châu Âu tại Anh, Pháp, Vương quốc Bỉ, Hoà Lan, Đức... cùng các nhà nhập cảng ở các lục địa khác. Đội xe đua Itom cũng đoạt được nhiều giải ở Châu Âu.

Photobucket
Sergio Bongiovanni vô địch giải đua xe leo núi “Montagna” tại Ý - 1966

Photobucket
Cuộc đua xe tại Vương quốc Bỉ 1961, có 3 xe Itom và 1 xe Kreidler (thứ 3 từ trái qua phải)

Năm 1966, Sergio Bongiovanni đoạt giải đua xe leo núi “Montagna” tại Ý. Năm 1970, một kiểu xe đua mới mang thương hiệu Itom nhưng do anh em Francesco và Walter Villa sản xuất với bộ van hút xoay vòng đã thắng nhiều cuộc đua và được xếp hạng thứ hai trong Seniores Italian Champioship 50cc do Otello Buscherini và Claudio Lusuardi cầm lái đã làm cho Itom nổi tiếng.

Photobucket
Một xe đua Itom Astor

Photobucket
Mike Hailwood trong một cuộc đua xe 50cc năm 1957 trên 1 chiếc Itom và đã về hạng 3, Hailwood sau nầy đầu quân cho Honda và đã là vô địch thế giới trong nhiều năm

Photobucket
Beryl Swain là phụ nữ duy nhất tham dự cuộc đua TT Isle of Man 1962 trên chiếc xe Itom

Những tay đua xe mô-tô khác đã làm nổi danh hình ảnh chiếc xe máy Itom nhỏ bé là Mike Hailwood, Bill Ivy, Dave Simmons và người phụ nữ đầu tiên tham dự đua xe máy trong giải Tourist Trophy là Beryl Swain.

Tại Việt Nam và ngày nay

Xe máy Itom được nhập cảng vào miền nam Việt Nam khoảng năm 1955 với kiểu Astor đa số và lác đác vài xe Itom Tabor - do việc cạnh tranh trực tiếp với các xe Puch của Áo quốc, các xe gắn máy Sachs của Đức cùng các loại xe máy khác của Pháp và Ý nên Itom không được nhiều khách tiêu thụ ưa chuộng. Tuy nhiên những xe Itom cũng đã được chiếu cố vì lẽ ít hư hỏng, dể sửa chửa và tiêu thụ ít xăng.

Photobucket
Một xe Itom Astor ở Nha Trang năm 1963
Hình: L.R. (Dusty) Rhodes

Qua đầu thập niên 1960 thì không còn thấy các kiểu xe mới nào ngoài 2 kiểu Astor đầu tiên và Tabor. Tiếc rằng không còn nhà nhập cảng tại Việt Nam nào dám phiêu lưu chống lại dòng xe Nhật ào ạt đổ b vào năm 1965 sau khi chứng kiến hảng Đặng Đình Đáng thất bại với dòng xe Puch của Áo Quốc, thật ra chiếc xe máy do Ý sản xuất có thể địch lại xe Honda, Bridgestone, Suzuki, Yamaha... là chiếc Itom Astor 4M mà ngày nay giới đua xe tài tử ở Châu Âu vẫn còn nhắc đến!


Photobucket
Một xe đua Itom Super Sport ngày nay

Photobucket
Những tay đua tài tử trên những chiếc Itom ngày nay tại Hoà Lan

Hiện nay còn lác đác vài người sưu tầm xe cổ và các tay đua xe tài tử ở Châu Âu vẫn còn sử dụng các xe Itom trong tình trạng hoàn hảo, một chiếc Itom Astor 4M rao bán ở Hoa Kỳ với giá $4,500 USD.

Nguồn: Sheldon's EMU - Wikipedia (Italia) - BBC - Motociclismo - Philaphoto - L.R. (Dusty) Rhodes - Motoitom.it.

Xem thêm:
- Câu chuyện về xe Puch 50cc cổ
- Dòng xe mô-tô Husqvarna
- Câu chuyện về xe Express Radexi 50cc
- Thị trường xe máy miền nam đầu năm 1975 
- Câu chuyện xe máy Ural Sidecar 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét