Sau khi đến Lyon bằng các phương tiện di chuyển, chúng ta bắt đầu viếng thăm thành phố Lyon. Khởi hành từ điểm trên ngọn đồi Fourvière, nơi phát sinh thành phố Lugdunum xuyên qua khu phố cổ Vieux-Lyon xuống Presqu’Île và trở ngược lại trên ngọn đồi Croix-Rousse…
Khu Fourvière
Tượng Munatius Plantus tại Bảo tàng Gallo-romain
Có điều quan trọng cần biết thêm ở Lyon đã có sự hiện diện của loài người trước khi thành phố Lugdunum được thành lập bởi người la mã. Người ta nhớ đến thời xây dựng thành phố một phần lớn nhờ vào những cổ vật và lẽ tất nhiên nhờ vào sự phát triển không ngừng từ khi thành lập vào năm 43 trước TC cho đến thế kỷ thứ 3 sau TC và trở thành Thủ Đô của 3 xứ Gaules.
Amphitheatre - Hí viện lớn trên đồi Fourvière
Hí viện nhỏ đã được trùng tu bên cạnh hí viện lớn
Một dân cư của Lyon đã trở thành Hoàng Đế La Mã từ năm 43 đến 54, Claude (Claudius) đã cho phép tất cả các dân cư ở Lyon thụ đắc quyền công dân la mã và hưởng những đặc lợi như cư dân ở Rome. Bài diển văn của Claude về việc nầy đã được khắc ghi trên những bảng đồng danh tiếng «Tables Claudiennes» hiện nay được trưng bày trong Bảo tàng Gallo-romain ở Lyon. Người ta còn cho biết thêm về Hoàng Đế Claude có tật nói cà lăm và trông thật xấu trai!
Một aqueduc gần Champonost
Người la mã đã xây dựng những đường dẩn nước aqueducs đến những nơi phân phối nước và các trung tâm trị liệu bằng nước nóng trên ngọn đồi Fourvière - người la mã rất thích tắm bằng hơi nước nóng. Người ta ước lượng có khoảng hơn 1 triệu mét khối nước được đua đến từ 4 aqueducs lấy nước từ các nguồn cách Lyon hơn 75 km.
Sau thế kỷ thứ 3, khi Đế quốc La Mã suy tàn, những ống dẩn nước bằng chì trên các aqueducs bị phá hủy buộc những dân cư trên đồi di chuyển xuống sinh sống cạnh bờ sông Saône trong một khu phố mà chúng ta sẽ thăm viếng trong phần kế tiếp.
Ngọn đồi Fourvière nhìn từ sông Saône
Thành phố Lyon bị bộ tộc Burgondes chiếm đóng vào thế kỷ thứ 5 (người burgondes có nguồn gốc từ Na Uy di cư qua Đức, Bỉ rồi đến Pháp trong cuộc chiến với Đế quốc La Mã). Lyon được sát nhập vào Hoàng Gia Pháp vào năm 1312 bởi vua Philippe IV Le Bel.
Vương Cung Thánh Đường Fourvière ban đêm
Năm 1074, Giáo hoàng Grégoire VII trao cho Tổng Giám Mục địa phận Lyon chức vụ mà người ta không bao giờ đặt lại câu hỏi, Giáo Chủ xứ Gaules. Ngọn đồi Fourvière trở thành trung tâm quy tụ những cộng đồng giáo dân đạo Công Giáo.
Tên Fourvière được biết đến do tiếng đọc trại ra từ tiếng latin «Forum Vetus» có nghĩa là nghị trường cũ. Một Vương Cung Thánh Đường được xây dựng vào thế kỷ thứ 19 trên đồi do sự quyên góp của các dân cư ở Lyon để cảm ơn thiên chúa đã ban phép lạ cho họ thoát khỏi trận dịch tả hoành hành trong vùng.
Vương Cung Thánh Đường Fourvière, mặt tiền
Khu phố cổ Lyon - Vieux Lyon
Rời ngọn đồi Fourvière xuống thăm khu phố cổ Lyon. Thành phố Lyon đã gặt hái được nhiều thành quả kinh tế và văn hoá nhờ vào việc thu lợi qua 2 hội chợ miễn thuế tổ chức bởi vua Charles VII (1420) và thêm 4 lần dưới thời vua Louis XI (1463). Những lần có hội chợ kéo dài khoảng trên 20 ngày và thu hút các doanh thương đến từ các xứ Âu châu, đa số đến từ Đức quốc, từ các tổng Thụy Sĩ và nhất là từ nước Ý.
Khu phố cổ Vieux-Lyon
Những doanh nhân và chủ ngân hàng ý đến giao dịch và thiết lập cơ sở tại Lyon đã góp phần vào việc xây dựng thành phố với lối kiến trúc thời Phục Hưng.
Vieux-Lyon ban đêm
Những căn nhà được xây cao và đường phố nhỏ hẹp.
Tại khu phố cổ, người ta có thể nhận ra những tháp cao mà thật ra là những chiếc cầu thang được xây dựng trong việc nối liền những căn nhà với nhau và cùng nhau sử dụng chung những chiếc cầu thang nầy. Mổi căn phố có riêng những sân nhà nằm chính giửa mà trung tâm là một giếng nước.
Nhà thờ Saint Jean trong khu phố cổ
Vào thời điểm nầy, Lyon thu hút rất nhiều nhà in sách và trở thành thủ đô của ngành ấn loát và đương nhiên là thủ đô của các nhà học giả. «La légende dorée» là cuốn sách đầu tiên viết bằng tiếng pháp được in tại Lyon vào năm 1476. Người ta cũng đã in «Gargantua và Pantagruel», những tác phẩm của một y sĩ tên là Rabelais đã làm việc tại Hôtel-Dieu nằm trên bờ sông Rhône.
Khu phố cổ và một phần khu Presqu’Île ban đêm
Nhà thờ Saint Jean
Cũng cần nên biết vào năm 1939 và vào thập niên 50, có những dự án phá bỏ khu phố cổ Lyon để xây dựng những công trình hiện đại và một con đường cao tốc. May mắn thay, những dự án đã bị hủy bỏ và chìm vào quên lãng, phần lớn nhờ vào sự phản đối của các dân cư và những người trong giới hoàng tộc cùng thượng lưu ở khu vực bằng cách phản kháng ôn hoà: họ đều ăn mặc giống nhau với những áo quần bẩn thỉu của dân lao động trong vùng.
Khu Presqu’Île
Đây là chặng viếng thăm kế tiếp, chúng ta đi từ khu phố cổ đến Presqu’Île. Trên bán đảo nhỏ hẹp nầy, người ta có thể chiêm ngưởng những lối kiến trúc từ thời Trung Cổ đến thế kỷ thứ 19.
Hôtel de Ville trong đêm hội ánh sáng (Fête de la lumière) với tượng Char de la Liberté
Quảng trường Terreaux và Hôtel de Ville
Dưới chân khu phố Croix-Rousse, chúng ta có thể nhìn thấy quảng trường Terreaux, trên quảng trường tích tụ những công trình qúy giá:
- Toà Thị Chính TP. Lyon (Hôtel de Ville),
- Opéra de Lyon,
- Bảo tàng Mỹ thuật - Le Musée des Beaux-Arts vừa mới tu bổ xong, trong khuôn viên là một khoảng vườn đẹp và yên tỉnh.
- Opéra de Lyon,
- Bảo tàng Mỹ thuật - Le Musée des Beaux-Arts vừa mới tu bổ xong, trong khuôn viên là một khoảng vườn đẹp và yên tỉnh.
Hí viện Opéra TP. Lyon ban đêm
Musée des Beaux-Arts
Musée des Beaux-Arts vào đêm hội ánh sáng
Khối tượng «Char de la Liberté» - Cổ xe tự do - được đặt giửa trung tâm Quảng trường Terreaux trước kia đã được dời qua một bên vào khoảng đầu thập niên 90 để tạo thêm khoảng rộng cho khách du lịch tha hồ chụp hình. Cổ xe tự do do nhà điêu khắc Auguste Bartholdi thực hiện với những khối chì pha kẻm tạc trên một khối đá, ông là người đã sáng tác ra bức tượng Nữ thần Tự Do - Liberty Statue mà nước Pháp đã tặng Hoa Kỳ và đặt tại lối ra vào cửa biển ở New York, ban đầu Bartholdi sáng tác Cổ xe Tự Do với một chiến xa 4 ngựa kéo được điều khiển bởi nữ thần tự do vượt qua dòng sông Garonne do Thành Phố Bordeaux đặt hàng, nhưng vì giá bức tượng khi hoàn tất quá cao, TP. Bordeaux không thể trả được nên trở thành niềm hạnh phúc và hảnh diện cho dân cư ở Lyon đã mua lại tác phẩm nầy.
Char de la Liberté, một tác phẩm của Auguste Bartholdi
Chi tiết 2 con ngựa của Char de la Liberté
Char de la Liberté trên Quảng Trường Terreaux
Có tất cả 69 vòi nước phun được thiết kế chung quanh pho tượng (số 69 là số thứ tự theo mã số dựa trên vần alphabet của tỉnh Rhône), hệ thống phun nước được điều khiển bằng máy vi tính cũng như hệ thống chiếu sáng ban đêm bằng sợi dẩn quang (fibre optique - optical fiber).
Đặc điểm hệ thống chiếu sáng của Toà Thị Chính bên cạnh pho tượng, không phải nguồn ánh sáng được chiếu vào công trình từ bên ngoài mà là nguồn sáng được thiết kế trên toà nhà toả sáng ra.
Hôtel de Ville và Opéra ban đêm
Lyon được nổi tiếng trên thế giới về kỹ thuật chiếu sáng các công trình. Vì vậy những thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh (TQ), Saint Petersbourg (Nga) đều mời những chuyên gia ánh sáng đầy kinh nghiệm của TP. Lyon đến làm việc.
Quảng trường Terreaux là nơi mà người ta đã chém đầu những người dân Lyon trong thời kỳ Cách mạng Pháp. Những dân cư Lyon đã ủng hộ Hoàng Gia phải chịu những đàn áp man rợ. Ngày 12 tháng mười 1793, một nghị quyết ban hành «Lyon đã gây chiến chống lại tự do. Lyon sẽ không còn nữa». Người ta đề xuất san bằng thành phố Lyon và thành phố không còn được gọi tên mà phải mang tên «Thành phố bỏ ngỏ - Francheville».
Một kỹ thuật sử dụng ánh sáng ở Quảng Trường Jacobins
Từ Quảng trường Terreaux, chúng ta đi về phiá tây đến Quảng trường Bellecour dọc theo con đường mang tên Ré (Ré là chử nói tắt cho République - Cộng Hoà), con đường dành riêng cho bộ hành đầy rẩy những cửa hàng, những chổ rộng thoáng đầy những vòi phun nước đến Quảng trường Bellecour.
Bệnh viện Hôtel-Dieu trên sông Rhône, gần Quảng trường Bellecour
Quảng trường Bellecour, tên cũ là Bella Curtis (vườn đẹp) đọc trại ra thành Bellecour, là một bải rộng mênh mông bằng đất đỏ nện, thuận tiện cho những cuộc hội hè văn hoá hoặc những hội hè khác. Đằng sau về hướng đông bắc là ngọn đồi mà người ta thấy Vương Cung Thánh Đường Fourvière ngự trị ở trên cao.
Quảng trường Bellecour với tượng Louis XVI
Quảng trường Bellecour ban đêm
Tượng vua Louis XVI vào lể hội ánh sáng
Gần đây ở trong một góc trên Quảng trường Bellecour, người ta xây dựng một bức tượng của Antoine de Saint Exupéry* và một chú bé «Le Petit Prince» dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn (Antoine de Saint Exupéry là một nhà văn và là phi công trong quân đội Pháp - ông ta là một trong những phi công đầu tiên thiết lập đường bay «Hàng không bưu chính - Aéropostale» giửa Pháp, các nước ở bắc Phi đến Buenos Aires, Argentina thuộc Nam Mỹ). Vào năm 2000, phi trường Lyon - Satolas được đổi lại tên là Lyon - Saint Exupéry để tưởng nhớ người phi công và cũng là nhà văn đã tử nạn trong phi vụ do thám quân Đức ở Marseille, một vài tháng trước khi nước Pháp được quân Đồng Minh giải phóng khỏi Đức Quốc Xã chiếm đóng vào năm 1944.
Tượng Antoine St. Exupéry và Petit Prince
Dọc hai bên đường từ Quảng trường Terreaux xuyên qua Bellecour đến Quảng trường Carnot trước nhà ga xe hoả Lyon - Perrache có rất nhiều nhà hàng ăn, nhất là trên 2 con đường Mercière và Marronniers, có một hàng ăn mà tôi đã ghé qua - La mère Jean ở số 5 đường Marronniers với những món ăn tiêu biểu của Lyon: salade de museaux, sabodet aux pommes de terre và pho-mát trắng cùng kem tươi.
Một quán ăn trên đường bộ hành
Một chùm hoa nhân tạo gần Bưu Điện Trung Ương
Quảng trường Antonin Poncet trước Bưu Điện
Sau cùng là nhà ga Perrache cùng với những bải xe khách rộng lớn, những bải xe hàng vì là nơi trao đổi và hoán chuyễn hàng hoá cùng du khách. Bên cạnh ga Perrache là một trung tâm phân phối thực phẩm bán sĩ lớn nhất trong vùng, tương tự như trung tâm chợ bán sĩ Rungis ở Paris.
Quảng trường Carnot trước nhà ga Lyon - Perrache
Trạm chuyển tiếp gần ga Perrache
Một bải đậu xe ô-tô ngầm đưới mặt đất đang được xây dựng
Đi suốt qua khỏi nhà ga với những cơ xưởng và khu đổi tầu rộng lớn là mủi Presqu’Île, nơi hai dòng sông Rhône và Saône giao với nhau (gọi là Confluent) và chảy xuôi về phiá nam ra cửa biển Địa Trung Hải.
Khu phố Croix-Rousse
Chúng ta lấy xe tuyến đường số 13 - loại xe bus bánh cao-su chạy điện, còn gọi là Trolleybus để đi từ Presqu’Île ngược lại phiá đông để thăm một khu phố độc đáo duy nhất ở châu Âu: La Croix-Rousse.
Khu Croix-Rousse nhìn từ phiá đồi Fourvière
Nếu ngọn đồi Fourvière là ngọn đồi để người ta đến cầu nguyện thì ngọn đồi của La Croix-Rousse là nơi người ta làm việc, người ta lao động nặng nhọc ở khu phố nầy mà khởi đầu là công việc của người canuts - những người chuyên dệt lụa. Danh từ canut không hiểu rỏ nguồn gốc, có lẽ do từ chử con thoi dùng trong nghề dệt (navette) hoặc là cây gậy mất đi cái cán cầm tay hoặc bảng tên khắc trên gậy (tiếng miệt thị theo nghiả bóng).
Khu Croix-Rousse nhìn về phiá đông nam
Trong khu phố cổ Vieux-Lyon và Croix-Rousse, người ta đếm được khoảng 320 traboules. Tên gọi traboules có nghiả là những cầu thang hoặc cầu hẹp nối liền từ dẩy nhà nầy qua dẩy nhà khác chồng chéo nhau, lối kiến trúc nầy hiện diện hầu hết trên những thành phố ở châu Âu vào thời Trung Cổ. Nhờ vào lối kiến trúc với những traboules rẽ đi nhiều hướng khác nhau mà các tổ chức Quân Kháng chiến đã thoát khỏi sự vây bắt của Mật vụ Gestapo Đức Quốc Xã vào thời Đệ Nhị Thế Chiến.
Một hành lang kiểu traboules ở Croix-Rousse
Khoảng 25 năm về trước, ít người dám lai vảng đến khu Croix-Rousse với những đổ nát hoang tàn và bẩn mắt, ngày nay khu phố đã được xây dựng lại thật hoành tráng và tất nhiên giá nhà đất ở đây nhảy vọt một cách nhanh chóng.
Khu Croix-Rousse mới xây dựng lại
Trên một khoảng mặt bằng ở Croix-Rousse, người ta có thể nhìn thấy một pho tượng của một nhà phát minh tự học hỏi là Joseph-Marie Jacquard. Ông Jacquard đã hoàn thiện và tự động hoá nghề dệt bằng cách xử dụng các tấm bảng có đục lổ để gắn vào máy dệt, khi máy dệt «đọc và hiểu» các động tác phải làm trong chu kỳ dệt làm tăng gia năng suất và giảm đi các công việc mà trước kia các trẻ con phải làm phụ.
Quảng Trường JM. Jacquard
Tiếp đến là sân Voraces theo tên gọi của một tổ chức bí mật: Les Voraces. Những thợ canuts đã nổi loạn nhiều lần (1831, 1834 và 1848) chống lại việc hạ giá thu mua của những con buôn. Những cuộc nổi loạn nầy trở thành những cuộc tắm máu. Vivre en travaillant ou mourir en combattant (Sống vì công việc hoặc chết vì chiến đấu) là câu châm ngôn của những người thợ dệt canuts.
Sân Voraces trong Croix-Rousse
Thành phố Lyon đã phải xây một pháo đài chung quanh ngọn đồi Croix-Rousse, không phải vì mục đích để bảo vệ dân cư trên đồi Croix-Rousse chống kẻ thù bên ngoài mà ngược lại, để tránh sự nổi loạn và phá hoại của những người thợ dệt canuts trên Croix-Rousse đổ xuống gây hấn với cư dân trên Presqu’Île!
Một thang cấp từ Croix-Rousse xuống khu Presqu’Île
Tuy nhiên phải nhìn nhận những tiến bộ xã hội phát sinh từ những người thợ dệt canuts:
- Hội Tương tế
- Tiệm tạp hoá hợp tác
- Qủy tương tế
- Qủy hưu bổng
- Tờ báo của thợ thuyền đầu tiên: L’Écho de la Fabrique mà vào năm 1833 với tựa lớn in trên đầu tờ báo «Hởi người vô sản trên toàn quốc, hãy đoàn kết lại!»
Những phong trào xã hội nầy đã gợi ý cho Karl Marx (và Lenin cóp lại tựa viết trên báo để hô hào giai cấp vô sản trên thế giới...!).
(Còn tiếp 3 kỳ)
Nguồn hình: Wikipedia - Médiathèque de la Ville de Lyon - François Arnal - Jean Bernard Reynier - Blog Diplomat - François Buis.
* Xem thêm về tiểu sử của Antoine de Saint-Exupéry, người con của Lyon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét