Powered By Blogger

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Thép đã tôi thế đấy!

How the Steel Was Tempered - Как закалялась сталь

Chỉ là những lý tưởng hảo huyền hoặc được cảm nhận từ lối suy tư do nguồn thông tin một chiều bưng bít. Gần đây với cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm với nhiều phiên bản khác nhau được ra mắt độc giả... nhắc lại những hy sinh của những người mang sức lực để xây dựng một thế giới lý tưởng hơn, tốt đẹp hơn! Cuốn truyện Thép đã tôi thế đấy! của Nikolai Ostrovsky không là ngoại lệ, trong thời kỳ sơ khai xây dựng chủ nghiã Cộng sản của tác giả - cũng may là Ostrovsky đã qua đời trước khi chế độ Cộng sản sụp đổ ở Đông Âu, và cũng may cho Đặng Thùy Trâm đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1954-1975 để khỏi nhìn thấy đất nước ngày nay mất đất, mất biển vào tay anh láng giềng phương bắc. Mời các bạn đọc qua bài viết của tôi về Nikolai Ostrovsky.

Khi Sài Gòn được giải phóng năm 1975, một trong những cuốn truyện được nhiều thanh niên sinh viên học sinh miền Nam Việt Nam và  ngay cả lực lượng lớn của thanh niên thời bấy giờ là Đoàn Thanh Niên Xung Phong chuyền nhau đọc, cuốn «Thép đã tôi thế đấy» của Nikolai Ostrovsky , một nhà văn nga trong thời đại văn học hiện thực của Cộng Hoà XHCN Liên Bang Sô-Viết. Sách truyện được in và xuất bản tại Sài Gòn năm 1975, khổ sách bỏ túi.

How the steel was tempered!

Sơ lược về tác giả
Nikolai Alexeevitch Ostrovsky (1904-1936): sinh ngày 29 tháng 9 năm 1904 (16 tháng 9 theo lịch cũ), là người con thứ năm trong gia đình một người công nhân nghèo ở làng Viliya phiá tây nuớc Ukraine ngày nay tách ra khỏi Liên Bang Sô-Viết sau khi chế độ Công sản Sô-Viết sập đổ. Cha của ông là người làm công theo mùa và mẹ ông ta là con gái của một thợ rừng.

Được ăn học cho đến khi 9 tuổi tại một trường của nhà thờ chính thống giáo. Năm 1913, ông ta làm việc chăn thú vật. Năm 1914, gia đình ông ta dọn về thành phố đường sắt Shepetovka và ông được đi học tại trường tiểu học nhưng sau đó bị cho thôi học. Tiếp theo đó, ông đi làm phụ bếp tại nhà ga xe lửa thì bị đuổi việc vào năm 1917 vì ngủ quên trong khi làm việc, sau đó ông làm trong xưởng gổ và năm 1918 thì chuyễn sang làm nghề chăn nuôi rồi làm thợ điện ở nhà máy điện trong khu vực.

Khi quân Đức chiếm đóng làng ông ta cư ngụ vào năm 1918, Ostrovsky hoạt đông ngầm cho Bôn-sê-vích địa phương. Tháng 7 năm 1918, ông gia nhập đoàn thanh niên Komsomol và tháng 8 thì ông gia nhập vào Hồng Quân. Ông phục vụ trong đoàn kỵ binh Kotovsky. Năm 1920 ông bị thương trong trận đánh gần Odessa và nhiểm bệnh thương hàn. Sau đó ông trở lại trận địa và bị thương gần Lvov và được tải thương đến thành phố Kiev. Tháng 10 năm 1920 ông được xếp vào thặng số thương binh và được phục viên. Năm 1921, ông trở về làm ở cơ xưởng đường sắt ở Kiev rồi làm thợ điện kiêm cả thư ký cho đoàn Komsomol địa phương.
Ông vẫn bị bịnh phong thấp và thương hàn nên tháng 8 năm 1922 ông được gởi đi trị bệnh tại khu an dưởng bên cạnh bờ biển Azov. Tháng 10 năm 1922 ông được xếp vào loại tàn phế, tuy nhiên ông vẩn tiếp tục làm việc.

Wikipedia
Nikolai Alexeevich Ostrovsky - Николай Алексеевич Островский

Năm 1923 ông được mời làm chính trị viên cho Tiểu Đoàn Huấn Luyện Đệ Nhị của Hồng Quân và cũng là thư ký của  đoàn quân Berezdov đóng ở phiá tây Ukrainia. Tháng giêng năm 1924 ông dọn đến ở tại Izyaslav và làm chủ nhiệm của Ủy Ban Komsomol của thành phố. Tháng 8 năm 1924 ông được kết nạp vào đảng Cộng Sản. Suốt năm 1925 ông được đưa đi điều trị tại nhà an dưởng ở Crimea (biển Crimée). Vào tháng chạp năm 1926, ông bị bại liệt và hầu như nằm liệt giường. Dù như thế, vào tháng chạp năm 1927, ông ghi tên học hàm thụ tại Đại Học Cộng Sản Sverdlov ở Mạc-tư-khoa và thi đổ vào tháng 6 năm 1929, và vào tháng 8 năm đó, ông bị mù hoàn toàn.

Năm 1930, mặc dầu bị bại liệt và mù loà, sống tại Sochi, ông bắt đầu viết truyện, Thép Đã Tôi Thế Đấy!. Ông cũng viết thêm nhiều đề tài cho báo chí và bàn luận trên đài phát thanh. Tháng 4 năm 1932 ông trở thành hội viên cuả Hội Nhà Văn Vô Sản thuộc chi hội Mạc-tư-khoa và tháng 6 năm 1934, ông gia nhập Hội Văn Bút Liên Bang Sô-Viết.

Ông chết ngày 22 tháng chạp năm 1936 vào lúc 32 tuổi. Cuốn truyện thứ hai về Nội chiến ở Ukrainia mà ông bắt đầu viết từ tháng giêng 1934 bị bỏ dở dang, cuốn Sinh ra trong bảo táp (Born of the Storm - Enfantés par la tempête).

Nội dung cuốn truyện
Pavel Korchagin là một thanh niên lớn lên trong khi điều kiện đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Cũng như bao thanh niên Liên Xô khác, anh cũng có người bạn gái chơi thân, cô tên là Tonia và sau này trở thành người yêu. Tonia là một cô gái xinh xắn, yêu Pavel với tất cả tình cảm ban đầu trong trắng ngây thơ của một thiếu nữ mới lớn. Tình cảm của hai người có lẽ sẽ rất đẹp và trọn vẹn nếu như không có chuyện Pavel đi theo tiếng gọi của lý tưởng giai cấp lúc đó, lý tưởng muốn cống hiến sức trẻ của mình phục vụ cho Tổ quốc, cho cách mạng, theo tiếng gọi của Đảng Cộng sản. Anh trai Pavel cũng theo con đường này. Tonia rất yêu Pavel nhưng không thể đợi anh và theo anh, không dám yêu một lý tưởng. Nhà Tonia lại thuộc giai cấp tư sản. Pavel nói: "Anh trước hết là người của Đảng - sau đó mới là người của em và những người thân khác. Em có gan yêu một công nhân, nhưng lại không có gan yêu một lý tưởng".

Russia stamp

Pavel đã chia tay Tonia mà theo lý tưởng mình đã xác định. Anh hăng hái, hồ hởi cống hiến sức trẻ thanh niên của mình cho những công việc phục vụ cho nhân dân, cho Tổ quốc. Trong thời gian xây dựng con đường sắt nhỏ nối khu rừng với thành phố, tình cờ Pavel đã gặp lại Tonia. Công việc ở đây rất cực nhọc, ngày đêm chịu đói rét, gian khổ để gấp rút hoàn thành cho kỳ được con đường sắt cho kịp trước khi mùa đông tới. Nếu không kịp thì tất cả mọi người trong thành phố này sẽ chết cóng vì không đủ gỗ để sưởi ấm. Do vậy, Tonia đã suýt không nhận ra anh vì trông anh đã hoàn toàn khác, rách rưới, tím tái vì giá lạnh, gầy gò như một người ăn xin và đang xúc tuyết, tuy có đôi mắt thì vẫn là Pavlusha ngày nào. Tuy nhiên, cô đã không dám bắt tay anh khi anh đưa tay ra và anh hiểu rằng, tình cảm cũ giữa hai người vĩnh viễn không còn nữa. Cô giờ đây đã có chồng và "sặc mùi băng phiến".

Sau này, trong quá trình lao động và sinh hoạt trong tổ chức Đảng, Pavel đã gặp Rita và được cô quý mến. Nhưng tình cảm giữa hai người chỉ giữ ở tình đồng chí... Về sau, có lúc Pavel bị bệnh sốt thương hàn và bị bại liệt, vôi hóa cột sống, phải ngồi xe lăn, có một y tá chăm sóc và động viên, dồn hết tình thương cho anh. Anh cảm thấy mình không được quyền lùi bước trước khó khăn, tin tưởng vào tình yêu mới và chuyển sang viết sách vẫn với ngọn lửa và chất thép đã được được tôi luyện ngày nào.

Vài phiếm luận
Đây là cuốn truyện về Pavel cũng được xem như là tự truyện về cuộc đời cuả Nikolai Ostrovsky, là thanh niên mới lớn trong bối cảnh Cách Mạng Nga lật đổ chế độ Sa Hoàng năm 1917, tin tưởng vào cuộc đấu tranh Bôn-sê-vích để giải phóng nhân loại, đấu tranh với đói nghèobệnh tật, đấu tranh với dốt nátchuyên quyền độc tài… Ông đã cống hiến cuộc đời đeo đuổi theo cuộc Cách Mạng Vô Sản và là nhà văn tiên phong tiêu biểu cho Văn Học Hiện Thực XHCN. Sách truyện được dịch thuật và in ra trên 70 thứ tiếng (How the steel was tempered! - Et l’acier fut trempé).

Ostrovsky chết sớm, may cũng là hạnh phúc cho ông ta vì sự hy sinh cuả Pavel cho một lý tưởng hoang đường không bao giờ đạt được cuả Cộng Sản, sau hơn 60 năm xây dựng thiên đường Cộng Sản chỉ đi đến thất vọng vì người ta hiểu ra rằng nó chỉ là ảo tưởng, là chiếc bánh vẽ đã tạo ra sự sụp đổ và phân hoá cuả CHXHCN Liên Bang Sô-Viết và khối Cộng sản Đông Âu.

Một thời là cuốn sách gối đầu cuả bao thanh niên thiếu nữ trong Đoàn Thanh Niên Xung Phong ở Nam Việt Nam vào những năm đầu sau Giải Phóng 1975: đi khai khẩn, đào mương, lợp nhà, vét kinh, đào giếng… và đưa đồng bào ở các thành phố miền Nam VN đi xây dựng Kinh Tế Mới, mục đích vừa giản dân thành phố vừa lấy nhà cung cấp cho cán bộ!

Ngày nay đội ngũ TNXP đó không còn được nói đến! Tiếc là vào lúc giải phóng, không ai biết được một người ngồi bệt ra viả hè Sài Gòn khóc nức nở, khóc không vì mừng cho miền Nam VN được giải phóng, mà khóc vì oán giận một bè lủ đã phỉnh gạt cô trong bao nhiêu năm khi nhìn thấy tận mắt cảnh sinh hoạt sống động và đầy đủ cuả thành phố và dân Sài Gòn nói riêng và miền Nam Việt Nam nói chung, người ấy là cô Dương Thu Hương, không chỉ riêng cô ta mà còn hàng vạn cô gái Đoàn 559 trên Trường Sơn đã hy sinh cả một thời thanh xuân trong chiến tranh mà ngày nay có ai buồn nhắc tới!?

Lạ kỳ thay, khi các nước châu âu cởi áo Chủ Nghiã Cộng Sản vứt bỏ thì Trung Quốc gần đây lại quay một bộ phim truyện ở Ukrainia dựa trên cuốn truyện cuả Ostrovsky và Việt Nam vừa xuất bản cuốn: Nhật Ký Đặng Thùy Trâm, và kẻ thù "ngoại xâm, đế quốc" ngày xưa đã trở thành bạn bè của những nhà tư bản đỏ...

Phải chăng họ muốn hô hào thanh niên làm lại một cuộc Cách Mạng Vô Sản lần thứ hai?
------------------------------------------------------------------

Thép đã tôi thế đấy được in nhiều ấn bản trên thế giới, nhất là trong thời Đệ nhị Thế Chiến, hồng quân Liên Xô đã chuyền tay nhau đọc trong khi cố thủ ở thành phố Stalingrad. Ngày nay khó tìm được vì CHXHCN Liên Bang Sô-Viết đã sụp đổ hơn 20 năm qua, bản dịch ra tiếng anh được phát miễn phí trên mạng Internet dưới dạng document Word, nén bằng format ZIP (Website nầy nay đã thôi phát hành sách miễn phí). Tuy nhiên có thể tìm trên Internet dưới đây (dạng Adobe Acrobat PDF) :

Tập 1
http://ebookbrowse.com/how-the-steel-was-tempered-book-1-pdf-d73449993

Tập 2
http://ebookbrowse.com/how-the-steel-was-tempered-book-2-pdf-d89984421

Thép đã tôi thế đấy - dạng eBook PDF:
https://www.goodreads.com/ebooks/download/13505163-th-p-t-i-th-y

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét